• Trang chủ /
  • Dự án
  • / Tác động của hệ thống sản xuất hàng hóa quy mô lớn chuyên sâu đến chủ quyền lương thực của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Hoạt động nghiên cứu: Khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của các hợp tác xã tại Việt Nam

Thời gian thực hiện: Tháng 10-11/2019
Địa điểm: An Giang, Đà Nẵng, Sơn La
Khách hàng: Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức DGRV tại Việt Nam
Chủ nhiệm dự án: TS. Phạm Văn Hội (CARES)

Hợp tác xã sản xuất rau tại Sơn La
1. Giới thiệu chung

Việt Nam đã trải qua một thời kỳ dài sản xuất tập trung dưới hình thức hợp tác xã nông nghiệp (từ đây viết tắt là HTX). Thời kỳ này cũng đồng nghĩa với hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp và thiếu lương thực ở Việt Nam. Chiến lược tăng qui mô HTX và cơ khí hóa nông nghiệp vào những năm 1960s, 1970s đã thất bại. Nguyên nhân chính là do kỹ năng quản trị hợp tác xã yếu kém (lãnh đạo hợp tác xã chủ yếu từ bộ đội xuất ngũ, không được đào tạo về quản trị và kỹ thuật nông nghiệp), và cách tiếp cận top-down, ở đó người dân không thực sự được làm chủ hoặc tham gia thỏa đáng vào các khâu lập kế hoạch và giám sát quá trình sản xuất (Anh and Huan, 1995).

Những thay đổi trong chính sách vĩ mô từ giữa 1980s đã thay đổi vai trò làm chủ ruộng đất sản xuất của người dân – yếu tố quyết định đến sự thành công của Việt Nam: từ nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới từ những năm 1990s (Xuan, 1995). Thay đổi vai trò của người dân trong sản xuất nông nghiệp cũng đồng nghĩa với những thay đổi tất yếu về bản chất của hợp tác xã nông nghiệp: từ chỉ đạo điều hành sản xuất sang cung cấp dịch vụ cho người dân (Tuan, 2007). Tuy nhiên, thực tế là nhiều hợp tác xã nông nghiệp dừng hoạt động hoặc tan rã sau đó.

Tuy nhiên, khi sản xuất hàng hóa, bao gồm xuất khẩu, ngày càng trở lên quan trọng trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam, sản xuất nông nghiệp trên cơ sở cá thể (người dân) đã bộc lộ những nhược điểm rất lớn trong tổ chức, giám sát, và thực hiện các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, đặc biệt thị trường xuất khẩu cao cấp (high-end market) (Hoi, Mol et al., 2009a, b). Bên cạnh đó, sản xuất theo hình thức cá thể còn đẩy người dân vào các rủi do khác như: lao động, kỹ thuật, tiền vốn, an ninh, đầu vào sản xuất chất lượng thấp hoặc giả, và các rủi do thị trường/kết nối thị trường, bảo vệ tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học…

Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp (VD: chứng chỉ VietGAP cho HTX/TCND), các tổ chức thương mại (VD: Fairtrade, 4C, GlobalGAP…), các tổ chức tài chính khác (RaboBank hỗ trợ hợp tác xã cà phê ở Tây Nguyên, WB và dự án VnSAT), các yêu cầu xuất khẩu cần chỉ dẫn địa lý và tư cách pháp nhân trong giao dịch…các hợp tác xã dần hình thành trở lại dưới đa dạng các hình thức như: tổ hợp tác, tổ chức nông dân, hợp tác xã…Các hợp tác xã này do một nhóm hộ dân tự hình thành và tự quyết tất cả các vấn đề của hợp tác xã. Qua thời gian khó khăn, một số đã vận hành ổn định và có hiệu quả, VD: HTX Cà phê Lâm Viên, HTXSX&DVNN Tân Nghĩa (Lâm Đồng), HTXNN công bằng Pô Cô, Tổ hợp tác SXCPBV Đak Mar (Kon Tum) (IRC, 2018a, b), HTX Ngọc Lan (Mai Sơn – Sơn La), Quỹ TDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu- Sơn La) …Tuy nhiên, phần lớn HTX nông nghiệp vẫn đang loay hoay với những khó khăn về tổ chức vận hành, chiến lược sản xuất, quản trị/kiểm soát nội bộ, và xúc tiến thị trường (Hoi, Mol et al., 2009b, IRC, 2018a, b).

2. Mục tiêu nghiên cứu
Hoạt động “Khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của các Hợp Tác Xã” là một hoạt động nhằm phục vụ cho mục tiêu tiếp cận ở mức độ vĩ mô về HTX của DGRV, góp phần cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng chiến lược phát triển khu vực kinh tế HTX của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư (MPI). Dựa trên những chiến lược này, DGRV sẽ phát triển dự án của mình để phù hợp với định hướng phát triển cho khu vực kinh tế HTX của các đối tác VN, đặc biệt là MPI và VCI.

Mục tiêu chính của gói thầu tư vấn này, bởi vậy, nhằm đánh giá tình hình, thực trạng việc hiểu, áp dụng, thực hiện các nguyên tắc cơ bản của HTX (theo 7 nguyên lý HTX của ICA) và hiệu quả hoạt động của các HTX (việc cung cấp dịch vụ, tổ chức sản xuất, kinh doanh). Các mục tiêu nghiên cứu cụ thể như sau:

  • Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển HTX và các nội dung nghiên cứu, hoạt động khác của DGRV.
  • Xác định rõ thực trạng việc áp dụng, thực hiện các nguyên tắc cơ bản của các HTX.
  • Đưa ra các đánh giá kết luận trên cơ sở định tính và định lượng về việc áp dụng, thực hiện các nguyên tắc cơ bản của các HTX.
  • Xác định rõ tình hình, thực trạng việc cung cấp dịch vụ cho các thành viên của HTX (cần xác định rõ theo bản chất của HTX).
  • Xác định rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTX.
  • Đưa ra các đánh giá, kết luận trên cơ sở định tính và định lượng về tình hình cung cấp dịch vụ, sản xuất, kinh doanh của HTX.
  • Tìm hiểu các chiến lược phát triển và thích ứng của HTX đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm (bao gồm các tiếp cận và áp dụng kỹ thuật/công nghệ mới (cho sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch), kế hoạch sản xuất, các giả định thị trường tương lai, và chiến lược thích ứng…).
  • Đánh giá vai trò của các tác nhân, yếu tố ngoài HTX đối với sự thành công/khó khăn của HTX, bao gồm cả những can thiệp/hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính hoặc NGOs.

3. Tóm tắt kết quả nghiên cứu
Với hàng loạt những ưu đãi về chính sách phát triển, thậm trí bắt buộc tổ chức sản xuất/cung ứng dịch vụ theo hình thức HTX (VD: Chương trình NTM), các sức ép thị thị trường nội địa (chuỗi cung ứng sản phẩm cao cấp tăng), sức ép thị trường xuất khẩu (do sự mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ, Nhật..), số lượng HTX đã tăng trở lại trong 5 năm gần đây.

Nghiên cứu này, với tài trợ của DGRV, được thực hiện tại địa bàn 18 huyện thị tại 3 tỉnh: Sơn La, Đà Nẵng và An Giang. Tổng số mẫu tiếp cận là 258 HTX và số mẫu thực hiện phỏng vấn thành công đạt 202. Nội dung bảng hỏi thiết kế trên cơ sở 07 tiêu chí HTX của ICA nhằm đánh giá hiện trạng tổ chức và vận hành HTX tại Việt Nam. Rõ dàng, các nguyên tắc HTX của ICA là rất phổ quát, đòi hỏi nhiều biến/thông tin để có thể lượng hóa được mức độ đạt được các nguyên tắc này của các HTX. Trong khi thực tế ở Việt Nam cho thấy nhiều thông tin bị che khuất thậm trí bị làm sai lệch, việc lượng hóa mức độ đạt được các chỉ tiêu dường như là không thể. Trên cơ sở các phân tích đa chiều về tổ chức và hoạt động của HTX, kết quả nghiên cứu đã phản ánh được một phần sự thật về hiện trạng tổ chức và vận hành HTX ở Việt Nam, đưa ra được các đánh giá định tính về mức độ thành công của HTX cũng như các nguyên tắc HTX của ICA đang được áp dụng bởi các HTX ở mức độ khác nhau.

Do sự đa dạng các hoạt động sản xuất và dịch vụ của HTX, để đáp ứng yêu cầu phân tích thống kê (mẫu đủ lớn), trên cơ sở thông tin thu thập được, các HTX được phân làm 04 nhóm: DVNN, SX/CB, VT/TM/DV và Đa lĩnh vực. Theo cách chia nhóm này, có sự khác biệt rất lớn về qui mô, lĩnh vực hoạt động của HTX ở các tỉnh nghiên cứu. HTX ở Sơn La qui mô nhỏ hơn, mới thành lập, và chủ yếu tập trung ở 02 lĩnh vực: SX/CB và Đa lĩnh vực. Hầu hết các HTX ở An Giang được thành lập từ lâu, qui mô lớn, tham gia cung cấp DVNN hoặc hoạt động đa lĩnh vực. Trái ngược lại, tại Đà Nẵng, các HTX phân bố đồng đều hơn giữa các lĩnh vực hoạt động so với 02 tỉnh còn lại, số nhiều HTX thành lập từ lâu, và qui mô ở mức lớn nhất trong 3 tỉnh nghiên cứu.

Theo tiêu chí phân loại HTX đề xuất áp dụng trong báo cáo này, số HTX hiện được tổ chức và có vận hành đạt 69.3%. Số HTX còn lại, 30.7% hiện chưa vận hành/chờ giải thể. Số HTX vận hành ở mức khá đạt 6.4%, và số HTX đang vận hành tốt chỉ đạt 17.8%. HTX loại 1 cao nhất ở An Giang, đạt 70.3%, thấp nhất ở Sơn La, chỉ đạt 29.6%. HTX loại 2 và 3 cao nhất ở Sơn La, tương ứng đạt 9.3% và 24.1%, và thấp nhất ở An Giang, chỉ đạt tỷ lệ 4.7% cho cả hai nhóm HTX. Dù nhóm HTX SX/CB đạt tỷ lệ HTX loại 1 thấp nhất, lại có tỷ lệ HTX loại 2 và 3 đạt cao nhất so với các nhóm HTX còn lại, tiếp theo là HTX đa lĩnh vực, và rất thấp ở HTX VT/TM/DV. Các HTX thành lập trong thời gian gần đây có tỷ lệ thành công cao hơn so với các HTX chuyển đổi, phần nào cho thấy: qui mô nhỏ hơn và tính ‘tư nhân’ lớn hơn, cho phép HTX vận hành mềm dẻo và linh động hơn, đã góp phần tạo lên tỷ lệ thành công cao hơn của các nhóm HTX này.

Các phân tích đa chiều về hiệu quả tổ chức và vận hành HTX thực hiện trong báo này đã phần nào giúp đánh giá được thực trạng HTX hiện nay ở Việt Nam. Sự đa dạng các loại hình HTX, các hoạt động sản xuất và bản chất dịch vụ, cho thấy các tiêu chí đánh giá HTX ở Việt Nam cần có một số khác biệt đặc thù riêng. Ví dụ, một HTX tưới tiêu sẽ không thể áp dụng tiêu chí dân chủ và tự nguyện đối với tất cả các thành viên. HTX vận tải sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của thành viên nếu thành viên chỉ đăng ký tham gia HTX để có được giấy phép kinh doanh, nhưng tách ra hoạt động độc lập. Các hành vi khác như trục lợi cá nhân của thành viên BGĐ, chây ì trả phí tưới tiêu, lặng lẽ từ bỏ HTX của thành viên…dù là số ít nhưng vẫn hiện diện và ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức và vận hành của các HTX. Nếu HTX tự chủ, có thể viện dẫn tòa án để phân xử đúng sai trong các trường hợp xung đột nội bộ này, tuy nhiên việc này là không thể khả thi đối với hầu hết các trường hợp xảy ra ở các HTX. Bởi vậy, khác với nguyên tắc tự chủ của ICA, trong điều kiện hiện nay, sự can thiệp của chính quyền: nhanh chóng, hiệu quả – đối với các hành vi sai lệch của thành viên HTX là cần thiết, góp phần hướng các hoạt động và sự cam kết/tự nguyện của thành viên theo và vì mục tiêu phát triển chung của HTX.

Bên cạnh đó, với đặc thù hiện tại của Việt Nam: quĩ đất sản xuất nhỏ, đông dân, áp lực từ rủi do thị trường, suy thoái tài nguyên và BĐKH ngày càng tăng, các chính sách thúc đẩy/ưu đãi phát triển HTX trong thời gian gần đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Mặc dù vậy, các can thiệp của chính quyền đối với hoạt động của HTX cần được thể chế hóa tốt hơn và hợp lý hơn, góp phần giúp HTX phát triển theo hướng tự chủ cao hơn trong tương lai – điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của HTX – thay vì tiếp tục lệ thuộc vào các ưu đãi và can thiệp của chính quyền, cũng như sự bất lực trước các động cơ không vì mục đích chung của một bộ phận thành viên HTX như hiện nay.

4. Liên hệ
Liên hệ nhóm nghiên cứu để tham khảo sản phẩm đầy đủ của hoạt động nghiên cứu này.

Tác giả Địa chỉ SĐT Email
TS. Phạm Văn Hội Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, VNUA 0988827711 phamhoi@gmail.com
TS. Nguyễn Văn Phương Khoa KT&QTKD, VNUA 0982034025 phuonglangvan@gmail.com
ThS. Vũ Thị Hải Khoa KT&QTKD, VNUA 0912340515 vuhaike@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.