Thời gian thực hiện: 1/7 – 30/9/2013
Đơn vị tài trợ: Trung tâm nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF)
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (CARES)
Trong lịch sử pát triển của mình, nông lâm kết hợp (NLKH) thường xuyên có diễn biến tăng giảm diện tích kết hợp với sử thay đổi về loài và số lượng cây dài ngày trong hệ thống canh tác. Những sự thay đổi này thường xảy ra đồng hành với sự thay đổi về môi trường, dân số, cải cách chính sách và phát triển kinh tế.
Tại Việt Nam, NLKH đã được người dân triển khai từ lâu đời với hệ thống vườn nhà – ao cá từ những năm 1960. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống sử dụng đất, phát triển kinh tế, điều tiết chính sách, nông lâm kết hợp ngày càng trở nên phụ thuộc vào các yếu tố này. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam, việc tư liệu hóa và hiểu biết về sự thay đổi hệ thống NLKH còn hạn chế. Đặc biệt, tư liệu hóa về các hệ thống NLKH chủ chốt tại các vùng sinh thái nông nghiệp còn rất nghèo nàn: Những hệ thống này thay đổi theo thời gian như thế nào? Trong trường hợp nào hệ thống phát huy hiệu quả, trong trường hợp nào hệ thống NLKH không hiệu quả? Hệ thống thay đổi ở đâu và những yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi. Hơn nữa, việc cải tiến và thiết kế các hệ thống NLKH gặp muôn vàn khó khăn vì những bài học kinh nghiệm về các hệ thống NLKH còn rất nghèo nàn. Do vậy, việc rất quan trọng được đặt ra là mô tả sự phân bố trong không gian của hệ thống NLKH và sự phụ thuộc của hệ thống vào các yếu tố khác nhau nhằm thiết kế hệ thống NLKH trong tương lai và đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp.
Dự án được chia ra làm 5 hợp phần nghiên cứu:
- Thành lập bản đồ các hệ thống NLKH chủ chốt tại 8 vùng kinh tế sinh thái
- Mô tả các hệ thống NLKH chủ chốt trong mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, thị trường, chính sách và lịch sử thay đổi sử dụng đất.
- Thành lập bản đồ diện tích mở rộng của ccá hệ thống NLKH tiềm năng dựa trên nghiên cứu của hợp phần 2.
- Phân tích lý thuyết thay đổi sử dụng đất và hệ thống NLKH ở cấp quốc gia tập trung vào phân tích chính sách.
- Phân tích rủi ro và các yếu tố nhạy cảm của hệ thống NLKH ở cấp độ quốc gia với các ảnh hưởng mang tính toàn cầu, chính sách của quốc gia và các yếu tố giới hạn môi trường chủ chốt.
Đối với 5 đối tác tham gia ký kết thực hiện dự án (ĐH Thái Nguyên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Nông lâm Thủ Đức, ĐH Cần Thơ), nghiên cứu tập trung vào hợp phần 2 nhằm mô tả những hệ thống nông lâm kết hợp chủ chốt trong mối phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, kinh tế, xã hội, thị trường, chính sách tại 8 vùng kinh tế sinh thái của Việt Nam theo bẳng tổng hợp sau: Đường dẫn bảng
2. Trách nhiệm và nhiệm vụ
Các đối tác tham gia nghiên cứu sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu sau:
- Thu thập tài liệu sơ cấp và thứ cấp trên thực địa.
- Mô tả lịch sử sử dụng đất của các hệ thống nông lâm kết hợp hiện tại và các yếu tố điều khiển sự thay đổi sử dụng đất.
- Mô tả các điều kiện môi trường tồn tại của hệ thống nông lâm kết hợp và phân tích các rủi ro và thách thức đối với các hệ thống nông lâm kết hợp (VD: độ phì của đất bị suy giảm khi thực hiện hệ thống nông lâm kết hợp thiếu các biện pháp phòng chống xói mòn).
- Mô tả các điều kiện kinh tế xã hội, thị trường, và chính sách tạo nên sự hình thành hệ thống nông lâm kết hợp; giá trị sản xuất và lợi ích, năng suất của hệ thống trên đơn vị ha và mô tả chuỗi thị trường sản phẩm.
- Phân tích những rủi ro thị trường và một số yếu tố nhạy cảm đối với hệ thống nông lâm kết hợp (VD: di cư hoặc thay đổi chính sách).
3. Nhóm nghiên cứu CARES
– Các thành viên tham gia: TS.Nguyễn Thanh Lâm, Trần Nguyên Bằng, Cao Trường Sơn, TS.Đinh Thị Hải Vân, Trần Lan Hương, Phạm Thị Dung, Kiều Thị Huyền Trang, Đinh Xuân Minh, Trần Mạnh Tường
– Phần ngân sách dành cho CARES: 9.190 USD
4. Sản phẩm nộp cho nhà tài trợ ICRAF
- Tất cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp thu thập được (bản điện tử)
- Báo cáo tổng kết bằng tiếng Anh