Thời gian thực hiện: 2009 – 2011
Tổ chức tài trợ: UB Châu Âu
Cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và đào tạo
Chủ dự án: Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp
Chủ khoản viện trợ PCPNN: Trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch
Tình trạng mất rừng và suy thoái rừng đang đóng góp một tỉ lệ lớn, khoảng 15-20% tổng lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra trên phạm vi toàn cầu, đó là một nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể góp phần làm biến đổi khí hậu. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các nước đang phát triển vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng sẽ là biện pháp bảo vệ khí hậu trái đất hiệu quả và tương đối rẻ tiền so với các giải pháp khác. Nhận thức được điều này, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP15) được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 năm 2009 đã đồng ý thiết lập các cơ chế giảm phát thải khí nhà kính và tăng nguồn dự trữ cacbon, trong đó đề cập đến chương trình REDD+. REDD+ là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries” có nghĩa là giảm khí phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển.Chương trình này huy động nguồn tài chính từ các nước phát triển giúp các nước đang phát triển cho việc bảo vệ và giữ rừng.
2. Mục tiêu của dự án
- Giảm phát thải khí nhà kính và tăng nguồn dự trữ Cacbon trong đất, thảm thực vật cũng như trong các loại hình che phủ đất khác;
- Đánh giá việc giảm phát thải khí nhà kính ảnh hưởng đến sinh kế và phúc lợi của cộng đồng địa phương, đặc biệt là sự khác nhau giữa các cộng đồng;
- Đánh giá việc bảo vệ tài nguyên rừng ảnh hướng đến đa dạng sinh học và môi trường sống;
- Cung cấp điều kiện thực tế để giám sát, báo cáo và kiểm tra cơ chế của REDD+ bao gồm vai trò quan trọng của chính phủ và các cơ quan địa phương liên quan;
- Thiết lập chính sách quốc gia và quốc tế về ảnh hưởng của các hoạt động trong REDD+.
Dự án REDD+ chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực nông lâm nghiệp miền núi thuộc vùng Đông Nam Á (khu vực rừng ẩm nhiệt đới ở Kalimantan, Indonesia và vùng bán nhiệt đới ẩm: khu vực phía bắc Lào, Việt Nam, và Yunnan Tây Nam, Trung Quốc). Vì vậy, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có nhiều loại rừng và loại hình sử dụng đất nông nghiệp khác nhau ở khu vực miền núi bị ảnh hưởng do hoạt động của con người ở các mức độ khác nhau, được lựa chọn làm điểm nghiên cứu thí điểm của Dự án I-REDD+.