Thư mời tham dự tọa đàm: “Chủ quyền lương thực và hộ nông dân người dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Khái niệm, chính sách và thực tiễn”

Trong hơn 2 thập kỷ qua, khái niệm “Chủ quyền Lương thực” (Food Sovereignty) đã được đề cập ngày càng nhiều và trở thành nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến phát triển và an ninh lương thực.

Chủ quyền lương thực được định nghĩa là “quyền của người dân và cộng đồng đối với sản phẩm có lợi cho sức khoẻ và phù hợp về văn hoá, được trồng hay sản xuất ra bằng các phương pháp phù hợp và bền vững về mặt sinh thái; và quyền quyết định xây dựng hệ thống lương thực và nông nghiệp của riêng họ.”[1] Chủ quyền lương thực, nói cách khác, là cách tiếp cận đề cao tính tự chủ của người nông dân trong việc quyết định áp dụng hệ thống canh tác nào phù hợp nhất với đặc điểm văn hoá, sinh thái, khả năng và nhu cầu của họ.

Mặc dù vậy tại Việt Nam, chủ quyền lương thực vẫn là một khái niệm mới, ít được biết đến và chưa được sử dụng trong các văn bản điều hành hay chương trình, chính sách của Nhà nước.

Tại Việt Nam, các cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi vốn chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng có nhiều nét đặc thù về văn hoá, môi trường sinh thái, và điều kiện sản xuất đặc trưng của vùng miền núi như đất sản xuất ít và dốc, thiếu nước, thời tiết khí hậu khắc nghiệt,… Việc có được các mô hình sản xuất nông nghiệp/canh tác phù hợp (về quy mô, khả năng, trình độ và mong muốn của hộ nông dân DTTS) nhằm đảm bảo an ninh lương thực hay sinh kế của họ là một yêu cầu quan trọng cần được xem xét, thay vì áp dụng trên quy mô lớn theo mô hình sản xuất cây hàng hoá theo thị hiếu thị trường, yêu cầu người tham gia có trình độ/kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao, cần vốn đầu tư lớn, và phụ thuộc chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chủ quyền lương thực đối các cộng đồng DTTS ngày càng trở nên quan trọng. Thông qua hơn 10 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký và đang đàm phán, các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, sinh học sẽ tham gia sâu rộng vào kinh tế nông nghiệp của Việt Nam, tạo ra tác động đa chiều về kinh tế xã hội.

Với mục đích tạo diễn đàn để các bên quan tâm chia sẻ quan điểm và thảo luận về chủ quyền lương thực và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân DTTS, Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Chủ quyền lương thực và hộ nông dân người dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Khái niệm, chính sách và thực tiễn.” Đây là hoạt động do Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) tài trợ.

Mục đích của Tọa đàm:

  • Tạo diễn đàn học thuật để các học giả, các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực liên quan chia sẻ, thảo luận về các vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, bảo đảm sinh kế, chủ quyền và an ninh lương thực cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay;
  • Đưa ra các gợi ý chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và thúc đẩy sinh kế bền vững nói chung, và chủ quyền và an ninh lương thực cho người dân tộc thiểu số nói riêng;
  • Thảo luận các ý tưởng nghiên cứu chính sách để bảo đảm chủ quyền và an ninh lương lực, phát triển bền vững cho người dân tộc thiểu số.

Để nội dung thảo luận tại Tọa đàm thêm phong phú và đa góc nhìn, Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp kính mời các nhà khoa học, các học giả cũng như các nhà quản lý quan tâm tham dự, thảo luận và chia sẻ ý kiến tại buổi Tọa đàm.

Chương trình Tọa đàm được đính kèm trong Thư mời.

Để tham dự buổi tọa đàm, xin vui lòng:

Ban tổ chức kính mời các Quý vị tham dự Tọa đàm.

Xin trân trọng cám ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.