Dự án Agro-econvert: Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và chứng nhận hữu cơ nhằm tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam

Khách hàng: Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FiBL), Thụy Sĩ
Cơ quan thực hiện: 
Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (CARES), Việt Nam
Chủ nhiệm dự án: TS. Christian Schader (FiBL) và TS. Phạm Văn Hội (CARES)

Nông trại rau hữu cơ tại Việt Nam

1. Bối cảnh
Có sự chấp nhận rộng rãi rằng các hệ thống thực phẩm cần phải khả thi và bền vững, trong đó các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm và các tổ chức mà họ tham gia cần phù hợp để tồn tại lâu dài với công việc hiện tại và vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều này thường không thực hiện được, đặc biệt là đối với các tiểu nông và nông hộ ở các nước đang phát triển. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất được chứng nhận hữu cơ, đã được đề xuất như một biện pháp duy trì tính khả thi và sinh kế bền vững cho các nông trại nhỏ, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm bổ dưỡng và an toàn. Grovermann và cộng sự (2017) đã phát hiện ra những lợi ích kinh tế và môi trường từ việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong bối cảnh Đông Nam Á. Home và cộng sự (2017) đã chỉ ra rằng các sáng kiến của hệ thống đảm bảo cùng tham gia (participatory guarantee system-PGS) đã vượt qua nhiều rào cản để có chứng nhận hữu cơ bằng cách dựa trên những hoạt động lâu dài của họ về phát triển xã hội bền vững và có quan hệ tốt với người tiêu dùng, thị trường, cơ quan quản lý, chính phủ và cộng đồng nơi họ hoạt động. Họ kết hợp truyền thống và cộng tác từ dưới lên trong các cấu trúc xã hội cấp địa phương, đã được chứng minh là góp phần đem lại phúc lợi cho nông dân và trao quyền cho cộng đồng trong một số bối cảnh quốc gia, bao gồm Nam Phi, CHDCND Lào, Peru và Brasil.

Lĩnh vực hữu cơ địa phương ở Việt Nam tiếp tục phát triển trong những năm gần đây và ngày càng có nhiều nông trại được chứng nhận là nhà sản xuất hữu cơ: chủ yếu là một phần của các sáng kiến PGS. Cùng với sự tăng trưởng này, người tiêu dùng ở địa phương có nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc và sự an toàn của thực phẩm, trong khi thị trường hữu cơ do sản xuất địa phương cung cấp không đủ và nguồn cung nông sản an toàn phần lớn vẫn không ổn định và đắt đỏ. Bên cạnh đó, xuất khẩu hữu cơ từ Việt Nam, đặc biệt là sang châu Âu được coi là tiềm năng hơn là thực tế. Có thể có một số lý do dẫn đến tình trạng này, nhưng các nghiên cứu (ví dụ: Presilla, 2018) cho thấy rằng các dự án hữu cơ trong khu vực Việt Nam đã bị cản trở do thiếu sự hợp tác của tổ chức và hỗ trợ của chính phủ. Những giả thuyết này cho thấy rằng tăng trưởng của ngành có thể được đẩy nhanh với sự phân bổ nguồn lực phù hợp nhưng không có đủ dữ liệu sẵn có để ghi lại các lộ trình hướng tới sự phát triển bền vững của ngành hữu cơ ở Việt Nam. Do đó, nông dân và các tác nhân thị trường thiếu thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành trong tương lai trong khi các nhà hoạch định chính sách bị cản trở trong việc phát triển các hoạt động hỗ trợ, chính sách hữu cơ dựa trên bằng chứng (evidence-based organic policies).

2. Mục tiêu của dự án

Dự án này tìm cách thu hẹp khoảng trống kiến thức liên quan đến sản xuất, hệ thống chứng chỉ và chính sách phát triển rau quả hữu cơ tại Việt Nam trên cơ sở giải quyết năm mục tiêu sau:

  • Phân tích khả năng phục hồi kinh tế, quản trị, tính toàn vẹn của môi trường, phúc lợi xã hội và những hạn chế kỹ thuật của các hộ sản xuất nông nghiệp thông thường và hữu cơ ở Việt Nam.
  • Đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ để đóng góp vào sự phát triển bền vững cộng đồng nông thôn, khả năng phục hồi của đất đai, sức khỏe, an ninh lương thực và năng lực cho người nông dân.
  • Phân tích các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ và tìm hiểu các lý do (theo cách tiếp cận hệ thống) cho phép hoặc cản trở nông dân Việt Nam sử dụng các biện pháp sinh thái để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn, bao gồm cả nông nghiệp hữu cơ.
  • Xác định sự khác biệt về kinh tế, xã hội, an toàn thực phẩm và môi trường giữa những hộ sản xuất thông thường và những hộ đã được chứng nhận hữu cơ.
  • Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất trên cơ sở các nguyên tắc nông nghiệp sinh thái, góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước và có thể tăng khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu châu Âu (đặc biệt là Thụy Sĩ).

3. Phương pháp luận

  • Hợp phần 1: Tăng cường năng lực cho người dân thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ.
  • Hợp phần 2: Những yếu tố để thúc đẩy nâng cấp hệ thống.
  • Hợp phần 3: Tác động của nông nghiệp hữu cơ đến người dân.
  • Hợp phần 4: Tổng hợp báo cáo, bài học kinh nghiệp và phổ biến thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.